Với 53 bàn thắng sau 75 trận đấu cho Juventus, Cristiano Ronaldo đang cho thấy giá trị của mình khi bà đầm già thành Turin đưa anh về với sân Allianz. Cho dù vậy, Juventus vẫn bị rơi khỏi nhóm 10 câu lạc bộ đắt giá nhất thế giới.
Theo báo cáo định giá mới nhất của KPMG được phát hành đầu tuần này, giá trị ước tính của Juventus thời điểm đầu năm 2020 vào khoảng 1,9 tỉ đô la. Juventus đứng vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng của KPMG, đồng nghĩa với việc không có câu lạc bộ nào tại Serrie A lọt vào top 10.
Đứng đầu danh sách trên là cái tên quen thuộc Real Madrid với khoảng 3,9 tỉ đô la. Những cái tên tiếp theo trong top 5 lần lượt là Manchester United, Barcelona, Bayern Munich và Liverpool. Trong đó, giá trị của Liverpool tăng lên đáng kể từ doanh thu bản quyền phát sóng và thương mại sau những thành công rực rỡ tại Champions League năm ngoái.
Hiệu ứng CR7
Mùa hè năm 2019, sau bản hợp đồng 117 triệu đô la chuyển nhượng từ Real Madrid, Cristiano Ronaldo đã giúp cho Juventus tăng giá trị câu lạc bộ lên 12%. Đội bóng cũng chứng kiến mức độ tương tác mạng xã hội gia tăng khủng khiếp. KPMG coi đây là một trong số các chỉ số chính để đánh giá mức độ phổ biến của câu lạc bộ, quy mô lượng fan hâm mộ và mức hấp dẫn thương mại. KPMG đánh giá những con số tích cực này tới từ việc thay đổi logo thương hiệu của câu lạc bộ cộng với việc hợp đồng với Cristiano Ronaldo được ký kết. Trong 4 năm gần nhất, Juventus chứng kiến sự tăng trưởng 191% tương tác trên các mạng xã hội, chỉ đứng sau 2 cái tên là Inter Milan và Ajax.
Cùng xem giá cổ phiếu Juventus bị ảnh hưởng thế nào bởi dịch COVID-19 kể từ khi được niêm yết công khai. Cổ phiếu của câu lạc bộ có giá khoảng 1,27 euro (1,41 đô la) thời điểm đầu năm, hiện đang bắt đầu hồi phục về giá 0,94 euro (1,05 đô la) sau khi bị giảm xuống mức thấp nhất 0,55 euro (0,61 đô la) hồi đầu tháng 3.
PSG – Thương hiệu thành công
Gã khổng lồ nước Ý đã bị thay thế trong top 10 bởi một cái tên tới từ Pháp, Paris Saint-Germain. Thứ hạng của đội bóng thủ đô Paris cải thiện từ thứ 11 lên thứ 9, giá trị đội bóng cũng đã tăng 45% trong 1 năm và 150% trong 5 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên PSG lọt vào top 10 kể từ 2016.
KPMG cho biết doanh thu thương mại của Paris Saint-Germain là 422 triệu đô la trong năm 2019, cao nhất trong số tất cả các câu lạc bộ. Doanh thu này có được nhờ những ngôi sao như Neymar, Kylian Mbappe, cộng thêm sự hợp tác của câu lạc bộ với thương hiệu đồ thể thao Air Jordan. Doanh thu thương mại cao ngất ngưởng biến PSG thành câu lạc bộ có doanh thu hoạt động cao thứ 5 mùa giải 2018/19. Thế nhưng PSG sẽ cần phải nỗ lực hơn rất nhiều ở UEFA Champions League, nơi mà họ chưa thể vượt qua tứ kết nếu như muốn có vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng.
Trên thực tế, PSG khó có thể giữ vị trí của mình trong top 10 năm nay. Trong số 10 câu lạc bộ đắt giá nhất, PSG chính là cái tên phụ thuộc vào các trận đấu nhất. Trong bối cảnh cơn bão COVID-19 đang đi qua, những đội bóng ít bị phụ thuộc vào các trận đấu sẽ có khả năng miễn dịch tốt hơn, vì những trận đấu không khán giả sẽ tác động ít hơn tới họ.
Danh sách top 10 câu lạc bộ bóng đá đắt giá nhất thế giới 2020
- Real Madrid 3,892 tỉ đô la.
- Manchester United 3,740 tỉ đô la.
- Barcelona 3,573 tỉ đô la.
- Bayern Munich 3,220 tỉ đô la.
- Liverpool 2,974 tỉ đô la.
- Manchester City 2,916 tỉ đô la.
- Chelsea 2,482 tỉ đô la.
- Tottenham Hotspur 2,313 tỉ đô la.
- Paris Saint-Germain 2,138 tỉ đô la.
- Arsenal 2,072 tỉ đô la.
Ngoại Hạng Anh dẫn đầu danh sách
Tất cả các câu lạc bộ của Ngoại Hạng Anh đều bị ảnh hưởng từ việc đồng bảng Anh bị mất giá. Đây cũng là lý do chính cho việc bị sụt giảm giá trị các câu lạc bộ Chelsea, Arsenal, West Ham United, Leicester City và Everton (chỉ có 3 câu lạc bộ không phải của Anh trong danh sách 32 đội bị giảm giá trị). Thành công của Tottenham Hotspur mùa giải trước mang về cho họ một khoản doanh thu lớn, đưa Spur lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng. Trường hợp của Arsenal thì ngược lại. Nếu xu hướng này tiếp tục trong thời gian dài, cán cân quyền lực ở Bắc London sẽ thay đổi một cách nhanh chóng.
Một năm của sự thay đổi?
Ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 dường như sẽ khiến “danh sách các đội bóng giàu có” thay đổi một cách mạnh mẽ. Ngoại Hạng Anh sẽ phải trả lại khoản phí phát sóng khổng lồ, cho dù mùa giải có thể được kết thúc. Và có thể dự đoán bất kỳ hợp đồng phát sóng trong những năm tiếp theo sẽ có mức phí bản quyền thấp hơn nhiều so với hiện tại, khi mà doanh thu của các đài truyền hình cũng không mấy khả quan.
Hệ quả của COVID-19 với việc định giá các câu lạc bộ trong tương lai khiến KPMG thấy cần thiết phải bổ sung một loạt góc nhìn chuyên gia về vấn đề này. Luis Vicente, giám đốc điều hành của Eleven Sports nói rằng, “ngay cả trước COVID-19, nhiều đài truyền hình đã không thể đảm bảo được lợi nhuận đầu tư, mô hình hiện tại không bền vững khi mà các gói bản quyền không cho thấy dấu hiệu sẽ giảm giá”. Charlie Marshall, giám đốc điều hành của Hiệp hội câu lạc bộ Châu Âu nhấn mạnh việc mất doanh thu từ các trận đấu, “doanh thu chủ chốt đối với nhiều câu lạc bộ” ông cho biết.
Những câu lạc bộ lớn hơn có những nguồn lực tốt hơn để có thể vượt qua sự thiếu hụt doanh thu từ các trận thi đấu. Như trường hợp của Manchester United, cổ phiếu của MU hiện được giao dịch ở mức 16.61 đô la, không quá thấp so với mức giá 19 đô la thời điểm trước COVID-19. Những câu lạc bộ nhỏ hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí với những câu lạc bộ không xuất hiện trong danh sách của KPMG, họ có thể sẽ bị phá sản vì không có nguồn thu.